Sound & Lighting VN

Hoàn thiện hơn Nghệ thuật nghe nhìn

Posts Tagged ‘Ánh sáng’

Đầu năm, tản mạn về nghề thiết kế Âm thanh & Ánh sáng

Posted by tuyenphuc trên 4 Tháng Hai, 2012


Khi nói về nghề Thiết kế Âm thanh & Ánh sáng, sẽ có vài bạn nghĩ rằng nghề này đã có từ lâu rồi, hay là nghề này cũng xưa như trái đất. Sở dĩ có bạn nghĩ như vậy, có lẽ vì những từ này đã xuất hiện rất quen thuộc với chúng ta trong cuộc sống đời thường, nhan nhản trên sách báo, internet v.v. Thật ra, nếu phân tích cho đúng thì ở trong nước, chưa ai (ngay cả tôi), có thể tự xưng mình thực sự là chuyên viên thiết kế về lĩnh vực này cả. Vấn đề này là cả một câu chuyện khá dài, nhân dịp đầu năm, đầu óc rảnh rang, tôi xin mạn phép mạn đàm vấn đề này cùng các bạn.

Trở lại đầu thập niên 1990, VN bắt đầu hội nhập, tiếp nhận một làn sóng kỹ thuật tràn vào, trong đó có những thiết bị AT AS vô cùng mới lạ, có những thứ mà trước đây dù có nằm mơ cũng không tưởng tượng ra được. Tôi quay trở lại nghề vào thời kỳ này sau vài năm bỏ AT qua làm nghề điện tử tự động. Vì có khuyết điểm về tai nên tôi chú tâm vào AS hơn là AT. Ban đầu, hầu hết những hệ thống AT AS ở SG đều do chuyên viên Singapore qua thiết kế, vì trình độ VN lúc đó còn quá kém, coi như chưa biết gì, chỉ biết trầm trồ khi thấy thiết bị mới. Mãi đến 95, khi đã có chút ít kinh nghiệm, tôi mới biết đến vai trò quan trọng của bộ môn thiết kế qua vài trường hợp sau:

Xin mời xem tiếp tại:

http://www.soundlightingvn.com/History/Dau-nam-tan-man-ve-nghe-Thiet-ke-Am-thanh-Anh-sang

Posted in Main | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Thiết kế Ánh sáng Sân khấu Phần 01

Posted by tuyenphuc trên 1 Tháng Một, 2012


(Trong ngành AT AS, có 1 bộ môn gọi là Thiết kế AT hay AS. Ở những nhà hát, show lưu diễn quốc tế, bộ môn này rất quan trọng, nó có thể định đoạt sự thành công hay thất bại của buổi diễn. Nhưng ở VN, tâm lý chung thường coi nhẹ những bộ môn này, đánh đồng họ như những người thợ vẽ Photoshop, có nơi không cần biết đến họ là ai.

Bài đọc sau đây sẽ cho các bạn biết các khái niệm cơ bản và tầm quan trọng của bộ môn thiết kế ánh sáng sân khấu, do tôi chuyển ngữ từ các tài liệu quốc tế của tác giả Bill Williams.)

Thiết kế Ánh sáng Sân khấu

PHẦN 1 / 7 Lời giới thiệu về Ánh sáng Sân khấu

1.01 Niềm vui khi Thiết kế ánh sáng

1.02 Sự phát triển của ánh sáng sân khấu

1.03 Người thiết kế ánh sáng

1.04 Mục tiêu của ánh sáng sân khấu

1.05 Phẩm chất của ánh sáng

1.06 Cường độ & độ sáng

1.07 Dạng thức & phân phối

1.08 Color, Chroma, Hue & Giá trị

1.09 Định hướng & Di chuyển

1.10 Ngôn ngữ của ánh sáng

1.01 – NIỀM VUI KHI THIẾT KẾ ÁNH SÁNG

1.) GIỚI THIỆU:

Một trong những ngành nghề xứng đáng nhất hiện nay có thể là nghề thiết kế ánh sáng làm việc trong môi trường nghệ thuật. Nó cũng có thể là một trong những ngành nghề dễ nản chí nhất trên hành tinh.

P 1- 01 copy

Người thiết kế ánh sáng sẽ không bao giờ ngừng học hỏi. Mỗi tác phẩm, dự án sẽ đưa ra những thách thức mới, những trở ngại mới, những động lực của con người mới và các vấn đề mới phải giải quyết. Bạn có thể gặp nhiều thất bại trên công việc. Đây là một phần của tiến trình nghệ thuật. Các người thiết kế ánh sáng không nên ngần ngại mà chùn bước khi có những sai lầm, nên có càng nhiều sai lầm càng tốt, chỉ cần không bao giờ mắc phải sai lầm tương tự đến lần thứ hai.

Niềm vui tuyệt vời là khi thiết kế ánh sáng cho một tác phẩm đã đáp ứng được các yêu cầu của các nhà biên soạn kịch bản và cũng có thể đáp ứng các ý đồ của giám đốc chương trình và các người thiết kế khác. Tuy nhiên, niềm vui sẽ lớn hơn nhiều khi biết rằng bạn đã thành công trong mục đích và ý đồ của bạn và bạn sẽ vô cùng xúc động khi “kích động”  được toàn bộ khán giả thông qua việc xử dụng bộ điều khiển và chương trình  ánh sáng của bạn.

Ánh sáng sân khấu không chỉ  là vấn đề chiếu sáng đơn giản như hơn 100 năm trước đây. Ngày nay, người thiết kế ánh sáng dự kiến ​​sẽ là một bậc thầy về nghệ thuật, khoa học, lịch sử, tâm lý học, truyền thông, chính trị và thậm chí đôi khi còn đọc được cả tâm hồn.

Người thiết kế sân khấu sẽ học được một cách nhanh chóng rằng mọi thứ không luôn là những gì họ thấy thể hiện. Một giám đốc yêu cầu cho “nhiều ánh sáng” trên một diễn viên, không có nghĩa là cho tất cả diễn viên. Thay vào đó, ông ta thực ra chỉ muốn “để xem các diễn viên đẹp hơn”. Người thiết kế có thể chọn:  giảm độ tương phản ánh sáng chung quanh diễn viên này, hay đơn giản hơn là yêu cầu diễn viên nghiêng mặt của mình lên một chút. Cả hai giải pháp đều giải quyết được vấn đề mà không cần “thêm nhiều ánh sáng hơn”. Vì vậy, người thiết kế ánh sáng cũng phải là một người biết lắng nghe, người phiên dịch cẩn thận và là một người có tay nghề cao.

Cuối cùng, người thiết kế ánh sáng phải là một nghệ sĩ! Họ phải hiểu biết phong cách, kết cấu, cân bằng, thẩm mỹ và cảm xúc của con người. Họ cũng phải hiểu khoa học của ánh sáng, quang học, tầm nhìn, nhận thức tâm lý học và công nghệ ánh sáng. Xử dụng những công cụ để thiết kế ánh sáng phải học cách suy nghĩ, cảm nhận và tạo ra tác phẩm bằng trái tim của mình.
Khi thiết kế ánh sáng tốt – chỉ một mình bạn biết.
Khi thiết kế ánh sáng
tồi tất cả mọi người sẽ cho bạn biết!

Mời bạn xem tiếp tại:

http://www.soundlightingvn.com/Pro-Lighting/Thiet-ke-Anh-sang-San-khau-Phan-1-01

Posted in Lighting | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Cách sử dụng và bảo trì máy tạo khói sân khấu.

Posted by tuyenphuc trên 4 Tháng Sáu, 2008


Cách sử dụng và bảo trì máy tạo khói sân khấu.

Máy tạo khói (smoke machine) là một thiết bị quan trọng cho ánh sáng SK. Các bạn đừng coi thường thiết bị đơn giản này. Không có nó, ánh sáng mất đi 50% độ sáng và độ thẩm mỹ đấy. Màn khói tạo ra có tác động cản ánh sáng đèn lại, tạo thành luồng, SK sẽ rực rỡ hơn, chưa kể những lúc chơi tạo effect mạnh.

Bỏ qua những thiết bị tạo khói khác dùng khí Nitơ lỏng hoặc CO2 đặc (nước đá khô), trong bài này, chỉ trình bày về loại thiết bị tạo khói bằng phương pháp áp nhiệt. Nó là một ống đồng dài uốn theo hình xoắn ốc được đặt cạnh điện trở nhiệt công suất lớn (vài trăm đến vài nghìn watt). Tất cả nằm trong một khối nhôm đúc liền bao bọc toàn thể, kèm theo một đầu dò nhiệt (temp sensor). Ở đầu vào ống đồng là một bơm điện nhỏ (pump) dùng để bơm dung dịch tạo khói vào ống đồng từ bình chứa. (xem hình vẽ)

Khi resitor được nung nóng và truyền nhiệt ra cả khối nhôm, sensor nhiệt sẽ ấn định nhiệt độ tối đa của toàn khối để ngắt mạch điện nung nóng, khoảng 212 độC. Đến thời điểm này thiết bị sẽ tự nối mạch để ta có thể cấp điện cho bơm.

Dung dịch tạo khói là một hỗn hợp giữa nước và nhiều hóa chất. Khi bơm vào trong ống đồng. dưới nhiệt độ cao, hóa chất sẽ sôi và tạo khói (ở khoảng 160 độ C). Nước trong dung dịch cũng sôi và tạo ra áp suất cực lớn đẩy hết số hóa chất này ra ngoài, tạo khói. Khi nhiệt độ giảm, tới mức nào đó, mạch điện ổn định nhiệt sẽ nung nóng resitor trở lại và đồng thời cắt mạch của bơm. Thiết bị hoạt động theo chu kỳ tuần hoàn như vây. Cho nên, với các máy tạo khói công suất nhỏ, mau giảm nhiệt, đôi khi bạn bấm bơm không thấy hoạt động là nó đang nằm trong chu kỳ chết. Tránh trường hợp điều khiển không theo ý muốn này, bạn phải trang bị một máy tạo khói có công suất lớn hơn, lâu giảm nhiệt hơn.

Về cách sử dụng, bạn nên đặt máy dưới sàn xịt thẳng vào giữa SK. Nếu ở ngoài trời có gió to, bạn phải đặt theo chiều gió vào SK, để gió không thổi ngược khói ra ngoài, rất tốn dung dịch tạo khói. Nếu chương trình ca nhạc sôi động, thỉnh thoảng lúc cao trào, bạn đánh thẳng vào giữa SK cho hai luồng khói gặp nhau bốc lên cao, rất đẹp. Có lần tôi chơi AS ờ SK Lan Anh, sử dụng 5 máy khói 3500w, xịt SK mù mịt, kết hợp với Strobe và tia Lazer 5w thật mạnh, diễn viên bước từ làn khói này ra thật tuyệt vời, cứ như xem phim Holywood không bằng.

Bạn có thể dùng 8 hay nhiều hơn máy khói nhỏ cỡ Geni 700, Antari Z800 đặt hướng lên trên trần SK và cho ra những luồng khói thẳng cùng lúc gây effect rất đẹp. Kỷ lục tôi sử dụng đồng thời là 16 máy tạo khói các loại tại một vũ trường ở Sàigòn đấy các bạn.

Với SK nhạc êm dịu, trữ tình, bạn đặt trước máy tạo khói một cái quạt nhỏ cỡ B300. Có thể dùng loại quạt có cánh đảo chiều quay vòng để khói chui qua quạt tỏa đều ra SK, tạo không gian mờ ảo, dễ ăn đèn hơn. Nếu thiết bị có bộ tự động, bạn chỉnh sao cho nó ra cách khoảng đều đặn, nhìn không thấy được luồng khói nhưng vẫn cảm giác có khói là được.

Nói chung, việc sử dụng thiết bị tạo khói vẫn do óc sáng tạo của bạn, những cách tôi viết trên đây chỉ là một sự hướng dẫn nhỏ mà thôi, các bạn cứ tìm tòi và hoàn thiện hơn nữa nhé.

Những hóa chất tạo khói, nếu đúng tiêu chuẩn, qui cách, thì hoàn toàn không độc hại (non toxic), hít thở thoải mái không ngộp (trừ trường hợp uống luôn vào bụng thì không kể). Có rất nhiều diễn viên, tỏ ra ngại ngùng khi thấy SK có nhiều khói. Thật hay giả bộ không biết, nhưng các bạn hãy mặc kệ họ, vẫn sử dụng như bình thường. Chúng ta vì cái chung chứ không phải lo cho sự ỏng ẹo của vài người, nếu họ không chịu thì đừng diễn.

Nhưng có một điều quan trọng, hóa chất tạo khói là loại ngậm dầu, khi trở về trạng thái lỏng thì không bao giờ khô. Nếu các bạn đặt luồng xịt của máy khói gần một thiết bị AT AS nào đó có quạt hút giải nhiệt thì nó sẽ bị hút và đọng dầu vào thiết bị đó. Lâu ngày sinh ra rất nhiều dầu, có thể hư hỏng thiết bị đấy. Dân làm AS cứ bị dân AT cự nự về vấn đề này. Các bạn để ý và cẩn thận nhé.

Còn nữa, bản thân dung dịch tạo khói không có mùi. Nhưng nếu sử dụng lâu ngày, sẽ có những cặn hóa chất không thoát ra ngoài được, dưới nhiệt độ cao sẽ bị cháy sinh ra chất andehyt có mùi khét. Bạn phải vệ sinh máy khói định kỳ thật tốt, không để thiết bị nung nóng trong thời gian chờ quá lâu. Bạn khởi động máy trước show diễn 15 phút là vừa, khi không dùng liên tục thì tắt đi. Sau khi sử dụng khoảng 5,7 lít dung dịch tạo khói, bạn nên cho máy xịt không khoảng ½ lít nước sạch để ống đồng trong đó không bị đóng cặn hóa chất. Lỗ thoát của máy, bạn phải thông cho thật kỹ. Có bạn còn pha hóa chất tạo mùi vào trong dung dịch để át mùi khét nữa, tôi xin khuyến cáo là không nên. Những hóa chất tạo mùi thông dụng trên thị trường đều là mùi công nghiệp (mùi thực phẩm rất mắc), khi nung nóng ở nhiệt độ cao sẽ bị mất mùi, biến chất, sinh ra chất rất độc hại khi hít vào. Thứ hai, khi sử dụng trong không gian chật hẹp như bar, vũ trường, nhà hát nó sẽ đọng lại thành mùi không phai khó tả, lâu dần lẫn mùi vào màn, phông, rất khó chịu. Các bạn cứ vệ sinh, bảo trì tốt như trên sẽ loại hẳn vấn đề này.

Khi máy tạo khói của bạn không xịt ra khói mà lại ra nước, bạn coi lại hệ thống điều nhiệt xem. Có thể vì lý do nào đó nó không tạo đủ nhiệt cần thiết cho hóa chất sôi hoàn toàn, nên còn sót lại nước. Và nhớ để ý khi nào sẽ hết dung dịch tạo khói, vì nếu cứ bấm liên tục sẽ làm cháy bơm đấy.

Hầu hết các hãng sản xuất thiết bị AS đều chế tạo máy khói. Nhưng chỉ có một hãng nổi tiếng chuyên một loại thiết bị khói này thôi. Đó là hãng Antari của Taiwan. Gần đây, hãng này có sản xuất một loại máy tạo khói thấp (low level smoke machine). Nguyên lý của loại máy này là khi khói thoát ra được dẫn xuyên qua một thiết bị làm lạnh, như giàn lạnh của máy điều hòa vậy (sau này để giản tiện hơn, cho qua 1 thùng đựng nước đá cục khoảng 9 kg). Màn khói này, sau khi làm lạnh, sẽ nặng hơn không khí không bốc lên cao được, sẽ chảy như nước trên sàn SK. Khuyết điểm của loại máy này là rất kỵ gió, luồng gió của máy điều hòa thổi ra cũng đủ làm lệch luồng khói, rất khó thiết kế. Ca sĩ Phương Thanh rất thích loại khói này (chả là rất mát mà). Khói Nitơ lỏng còn thích hơn (-198độC khi thoát ra không khí). Ngông hơn nữa, cứ tới màn diễn là cô nàng tự bỏ tiền ra mua Nitơ lỏng về xịt cho riêng mình, vừa đẹp, vừa mát (?). Nhưng không rẻ, 1.000USD luôn công cho khoảng 10 phút xịt tràn SK, khủng chưa?

Sau cùng là một chuyện vui nữa : Hầu hết các máy tạo khói trên thị trường VN bây giờ đều sử dụng Remote thay cho contact bấm cho giản tiện. Những máy có cùng series thì lại chung một tần số receive. Điều gì xảy ra khi tôi tới chỗ bạn đang làm và đem theo một bó remote nhiều series !!! Tôi cũng phá nhiều người khác rồi nên chỉ dám dùng loại contact bấm thôi (sic).

Tuyên Phúc

Bài tiếp : Những điểm khác nhau của Scanner và Movie head.

Posted in Lighting | Thẻ: , , | 19 Comments »

Cách thiết kế ánh sáng sân khấu cơ bản.

Posted by tuyenphuc trên 25 Tháng Năm, 2008


Thể theo lời yêu cầu của một số bạn, thay vì post tiếp những đề mục ánh sáng đã nêu trước, tôi xin post trước một bài về cách thiết kế 1 sân khấu ca nhạc đơn giản nhất.

Trước hết là về sân khấu (SK)(Stage), bạn phải định hình kích thước, hình dáng và chiều cao của từng loại. Ở đây ta đang nói về sân khấu ca nhạc VN nên đơn giản hơn. Thường chỉ có SK hình chữ nhật có thêm một vài bục lên xuống cho ca sĩ là hết.

Kế tiếp, các bạn phải nắm được những vị trí có thể treo đèn (fixtures) được. Nếu ở trong hội trường, nhà hát bạn phải tìm kiếm những vị trí có thể đặt, treo đèn được. Còn nếu SK ở ngoài trời, bắt buộc bạn phải có một giàn khung để treo đèn. Giàn khung này (Trussing), ở nước ngoài làm bằng nhôm đura (dural) nhưng ở VN vì lý do kinh tế, thường làm bằng ống sắt hàn lại, cũng tạm sử dụng được (ở VN thôi ! Nếu sử dụng trong các show quốc tế, tụi Tây nó sợ chết khiếp. Đã có tai nạn chết người vì sập giàn khung treo đèn ở VN rồi). Sau đây là vài demo về giàn khung treo đèn, tùy các bạn sáng tạo.

Phần chính yếu trong thiết kế là thiết bị ánh sáng (fixtures). Bạn đã có trong tay bao nhiêu thiết bị rồi? Dĩ nhiên càng nhiều càng tốt. Tôi xin đề nghị số lượng cần dùng tối thiểu cho một SK ngoài trời diện tích 15 x 10 mét như sau :

80 đèn PAR 64.

08 Scanner 575w trở lên.

08 Movie head.

Một số đèn kỹ xảo (effect).

1, 2 máy tạo khói trên 2000w.

V.v…

Và dĩ nhiên không thể thiếu bộ điều khiển ánh sáng (lighting controller system) phù hợp với những thiết bị trên.

Và cách sắp đặt các thiết bị trên :

-Giàn mặt tiền : khoảng 16 PAR 64 mỗi bên, có thể treo bằng trụ đứng (stand alone tower) hay giàn giáo xây dựng cũng được.

-Giàn đầu : 2 giàn, mỗi giàn khoảng 8 PAR 64.

-Giàn hậu : khoảng 16 PAR 64, nếu có PAR 64 VNSP thì tốt nhất.

-Giàn cánh gà : 2 bên, mỗi bên khoảng 8 PAR 64.

-Scanner : Treo trên giàn khung, 2 cái ở khung hậu, 4 ở khung bên, 2 ở trụ đứng trước.

-Movie head : Thường thì đặt trên SK, 4 trên bục ban nhạc, 4 đặt hàng ngang mặt tiền SK. Có thể treo lên khung nhưng phải treo ngược thẳng đứng, không được treo ngang (có thể làm gãy trục Pan của đèn).

-Đèn giữa chiếu phông SK : Có thể là 1 đèn mặt trời đôi, hoặc lấy Centre-piece đánh thẳng vào phông, rất đẹp.

-Nếu SK có phông màu trắng, bạn cần thêm một số đèn flood để đổi màu phông.

-Tất cả các loại đèn khác, tùy theo công dụng, đặt tùy ý.

– Hai máy khói, nếu ở trong nhà, đặt 2 bên cánh gà. Ở ngoài trời, đặt 1 bên, xuôi theo chiều gió.

– Một hoặc hai đèn chiếu đuổi (follow spot) 1200w ở đằng sau lưng khán giả hướng về SK.

Một nguyên tắc quan trọng nhất khi đặt đèn là đặt đối xứng. Bạn hãy tưởng tượng chia SK ra làm 2 theo 1 đường thẳng chiều dọc (màu đỏ trong hình vẽ). Khi bạn đặt ở một bên cây đèn loại nào, thì đối xứng bên kia qua đường phân chia, bạn phải đặt một cây đèn giống như vậy. Khi lẻ 1 hay chỉ có 1 cây bạn nên đặt ở giữa. Ngay cả khi gắn màu (color filter), những cây đối xứng, màu cũng phải giống nhau. Tất cả Scanner hay movie-head ở một bên phải được cài đặt (set) Pan trái ngược (opposite) với ở bên kia, để khi điều khiển Pan của 2 cây nằm 1 hàng ngang cùng lúc, nó sẽ pan đối xứng chứ không pan cùng chiều.

Sau đây là thiết kế minh họa SK trên và một design nước ngoài tương tự:

Đến đây, chúng ta đã xong phần thiết kế một SK đơn giản, các phần tiếp theo là lắp đặt (installation), chỉnh thiết bị (adjust)(setup), và cuối cùng là điều khiển (operate). Xin hẹn các bạn ở những bài viết sau.

Tuyên Phúc.

Bài tiếp : Cách sử dụng và bảo trì máy tạo khói sân khấu.

Posted in Lighting | Thẻ: , , , , | 15 Comments »

Ánh sáng cơ bản ( Đèn PAR ).

Posted by tuyenphuc trên 21 Tháng Năm, 2008


Ánh sáng cơ bản ( Đèn PAR ).

Đèn PAR là chữ viết tắt của Parabollic Aluminum Reflector (chóa phản chiếu bằng nhôm hình paraboll). Loại đèn này xuất xứ đã lâu, có lẽ 1 trong những người sản xuất đầu tiên là Ronie Altman tại Altman Stage Lighting ở New York năm 1970. Và Bill McManus đã sử dụng 500 đèn PAR Altman tại Jetro Tull’s Passion Play tour vào cuối năm 1971 (theo James L. Moody trong cuốn Concert Lighting xuất bản năm 1998).

Loại đèn này (light fixture), là loại loại cơ bản không thể thiếu trong các buổi hòa nhạc (concert), còn trong nhà hát kịch (theatre) phải thêm các loại đèn khác như Leko, Fresnel v.v. Nó tạo thứ ánh sáng nền mượt mà, không bị tương phản, có thể dùng dimmer để tạo ra những khoảng sáng, tối mờ ảo. Reflect thì nó có chiều sâu, bóng của đối tượng. Cấu tạo rất đơn giản (dĩ nhiên là rẻ tiền nhất), gọn nhẹ, dễ di chuyển, thay bóng (lamp) dễ dàng, cho nên nó là loại đèn thông dụng nhất cho tới hiện nay.

PAR

Hình trên đây minh họa tất cả các chủng loại đèn PAR, từ PAR 16 – 26 – 36 – 38 – 46 – 56 đến lớn nhất là PAR 64. Các loại PAR trước đây gắn bóng halogen 2 chân cắm với công suất từ 30 đến 1000W độ Kenvin khoảng 2.700 K. Hiện nay thường sử dụng loại tích hợp bóng và chóa phản chiếu bằng thủy tinh kết liền một khối, trong rút chân không nên bền hơn rất nhiều, ở VN gọi là bóng đúc. Nhưng có cái là khi đứt bóng phải thay cả khối, hơi bị tốn tiền.

PAR-64 pha trung bình (medium flood) (M) là thông dụng nhất. Kế đến là loại luồng hẹp (narrow spot) (N) hay luồng rất hẹp (very narrow spot) (VNSP). Loại thứ tư là rộng (wide) (W) cũng được sử dụng. Tùy theo bối cảnh mà ta sử dụng cho thích hợp. Minh họa :

Ngoài ra PAR phải có một phụ kiện cần thiết là giấy lọc màu (color filter). Đèn PAR nào cũng có một cái rãnh để gắn những tờ giấy màu này. Color filter làm bằng chất liệu chịu nhiệt, không cháy, nếu quá nhiệt chịu đựng, nó chỉ nhăn lại nhưng không phát ra ngọn lửa, rất an toàn. Về sau phát minh ra Color change (Color call) là thiết bị gắn trên rãnh của đèn PAR nhưng có thể đổi được 16 màu căn bản bằng tín hiệu DMX 512. Điều này khi thiết kế sân khấu giảm được số luợng đèn PAR (nhưng lại thiếu cái gì để ngón tay cựa quậy …).

Fantasia thêm có thể lấy PAR 36 (pinspot) kết nối 4 hoặc 8 đèn như hình dưới đây, rất đẹp.

Thiết kế cho 1 sân khấu trung bình khoảng bao nhiêu đèn PAR là hiệu quả? Thiết kế “medium stage” của chuyên gia nước ngoài cho show diễn ngoài trời của ban nhạc Air Supply tại Hội Chợ Giảng Võ Hà Nội năm 1997 là 98 cái PAR 64. Ít quá hả? Tôi thấy đúng, vì sao? Con ngươi (đồng tử) của mắt người ta rất linh hoạt, khi gặp ánh sáng quá lớn nó sẽ tự động đóng lại, ngược lại khi tối quá nó lại mở ra. Cho nên chỉ cần ánh sáng trung bình từ 40 đến 60 Lux là được. Tôi làm show hội diễn 9 dòng sông Cửu long ở Sóc trăng năm 1998 chỉ với 24 PAR 64, đài truyền hình Cần thơ quay coi vẫn đẹp như thường. Làm sáng quá, chỉ tội những cây đèn kỹ xảo khác cũng phải tăng công suất lên theo, cộng lại rất hại cho mắt đấy các bạn.

Có lần tôi hỏi Hữu Tài, trùm ánh sáng VN : “Cha làm gì mà chơi đến 400 cây PAR cho sân khấu nhỏ này vậy?” Thì được trả lời : “ Phải gắn nhiều đèn lên thì mới lấy được nhiều tiền chớ !” Bó tay chấm com luôn. VN luôn là như vậy !!!

Còn một điều nữa là khi sử dụng PAR, bạn phải có Dimmer. Thiết bị này giúp bạn có thể gia giảm ánh sáng từng đèn, từng loại màu được. Còn nữa, bạn để đèn tắt lâu, nguội hẳn, nhất là khi trời lạnh, khi bật đèn lên full 100% rất dễ bị nổ bóng đèn. Nguyên nhân là do khi nhiệt độ giảm, điện trở trong R của tim bóng đèn sẽ hạ thấp dẫn tới tăng công suất thực sự của bóng làm nổ bóng, có khi làm cháy Pack luôn. Trước khi sử dụng PAR, bạn hãy đẩy Dimmer lên một chút, giúp nung nóng tim đèn, khi chạy full không bị nổ. Trong những Pack công suất chuyên dùng cho PAR loại cao cấp đều có contact Pre-heat đưa vào tim đèn 1 hiệu điện thế nhưng với tần số cao (không làm sáng tim đèn) giúp bóng được bền như trên.

Đèn PAR là vậy đó các bạn, những cách sử dụng nâng cao sẽ viết sau.

Tuyên Phúc.

Bài tiếp : Những điểm khác nhau của Scanner và Movie head.

Posted in Lighting | Thẻ: , | 11 Comments »

Basic Sound (Chương 1, Phần 2)

Posted by tuyenphuc trên 19 Tháng Năm, 2008


Âm thanh cơ bản.

II / Các thiết bị thu âm (Microphone) :

Microphone có rất nhiều loại, nhưng khái quát, chúng ta có thể chia ra 3 loại theo cách cấu tạo sau :

– Loại Dynamic (điện động) : Cấu tạo bởi một màng mỏng gắn vào một vòng gồm nhiều lớp dây đồng, đặt trong một từ trường (nam châm vĩnh cửu) . Khi có tác động của âm thanh lên màng sẽ tạo ra một tín hiệu điện xoay chiều. Loại này được ngành âm thanh chúng ta sử dụng rộng rãi nhất.

-Loại Ruban (Ruybăng) : Cũng như trên, nó có một từ trường bằng nam châm vĩnh cửu nhưng bao quanh giải nhôm thật mỏng có khi đựơc gấp nhún để tăng độ nhậy cơ học. Loại này được xem là nhậy (sensitivity) nhất nhưng rất dễ hư khi gặp chấn động mạnh, ngay cả khi thổi mạnh vào nó cũng có thể gây ảnh hưởng chất lượng nên chỉ được sử dụng trong các phòng thu âm.

-Loại Condenser (Tụ điện) : Loại này gồm 2 màng kim lọai mỏng đặt lên nhau, ở giữa là môt lớp cách điện tương tự như cấu tạo của một tụ điện. Khi áp với nó một điện tích DC, nó sẽ gây ra một tín hiệu điện nếu có âm thanh làm rung 2 màng kim loại đó, bằng cách thay đổi điện dung. Trong thực tế, nguồn cấp điện này do Mixer cung cấp gọi là Phantom, nó đưa một nguồn điện DC + 40 volt dòng rất nhỏ vào tất cả các Jack XLR3 input của mixer.

Microphone có rất nhiều kiểu dáng tuỳ theo các hãng nổi tiếng sản xuất như Electro voice, Sennheiser, Shure, AKG, Neumann,RCA v/v… Nhưng chúng ta chỉ lấy một nhãn hiệu Shure để làm mẫu vì trong lãnh vực âm thanh thế giới và Việt Nam, nó rất thông dụng.

Model Shure thông dụng nhất là SM 58 sử dụng cho ca sĩ, nó thu giọng hát trung thực và không bị tạp âm (xem hình).

Beta series

SM 57 sử dụng cho hầu hết các nhạc cụ như Trống (drum), Guitar ampli v/v…

SM 87 là loại condenser , sử dụng Mixer phải có Phantom.

Ngoài series SM, Shure còn có series Beta, cấu tạo giống như SM, nhưng có thêm một cuộn dây đồng có tác dụng chống hú (feed-back). Series này rất hoàn hảo, nhưng giá bán thường gấp đôi series SM.

Để tiện lợi hơn, trên sân khấu chuyên nghiệp còn dùng một loại microphone như các loại trên nhưng không có dây nối tín hiệu. Đó là micro không dây (wireless microphone). Nó gồm một micro thường có gắn một máy phát sóng nhỏ(transmitter) dùng pin khô, và một máy thu sóng(receiver). Ngõ ra(output) của receiver có tín hiệu như mico thường để nối vào mixer. Tần số phát sóng là VHF và UHF. Dĩ nhiên dùng UHF chất lượng sẽ cao hơn.

UT 58 LX LX series

Hình trên là 2 loại wireless microphone của hãng Shure : Series UT cho UHF va LX cho VHF. Trên lý thuyết của hãng Shure, khoảng cách giữa Microphone va Receiver có thể đạt tới 100 mét, nhưng khi thực tế sử dụng ta nên đặt tối đa 30 mét là vừa.

Posted in Sound | Thẻ: , , , , | 1 Comment »

FR Smoke juice.

Posted by tuyenphuc trên 19 Tháng Năm, 2008


FR Smoke juice.

Dung dịch tạo khói nhãn hiệu FR, dùng cho tất cà các máy khói dòng nung nhiệt. Chất lượng tương đương hiệu Antari Taiwan cùng loại. Không độc hại (non toxic). Đã được thử nghiệm trên 10 năm tại các bar, vũ trường, sân khấu trên toàn quốc.

Có hai loại (bình 5 lít) :

-Soft type (blue) : Sử dụng được cho tất cả các loại máy khói hiện hành. Khói ra đậm đặc, không làm nghẹt máy.

-Medium type (green) : Sử dụng cho máy khói trên 1200w. Đặc điểm : Ít hao (gấp 4 lần loại trên), thích hợp cho nơi có không gian rộng.

Giá bán như nhau : Please call.

Mời các bạn mua ủng hộ hàng Việt Nam Chất lượng cao đi nào.

Nguồn hàng vô tận. Giao hàng tận nơi miễn phí trong khu vực TPHCM. Cần tìm đại lý các tỉnh.

Liên hệ : 090.3.923.527 gặp anh Phúc, hay 097.9.826.862 gặp anh Châu.


Posted in Buy & Sale | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Nghệ thuật của ánh sáng.

Posted by tuyenphuc trên 19 Tháng Năm, 2008


Nghệ thuật của ánh sáng.

Không như một vài người lầm tưởng, vai trò của ánh sáng trong lĩnh vực sân khấu cũng rất quan trọng không thua gì âm thanh. Họ tưởng là ánh sáng thì càng sáng càng tốt, rồi thì có nhiều đèn chớp chớp là đủ. Sai lầm hoàn toàn. Các bạn có biết, ở nước ngoài, trong một sân khấu bất kỳ, giá trị của thiết bị ánh sáng luôn luôn cao gấp đôi thiết bị âm thanh hay không? Cái này tôi đã có dịp kiểm chứng ở VN rồi. Hầu hết các phòng trà ca nhạc, vũ trường ở VN do nước ngoài thiết kế hồi thập niên 90 đều như vậy.

Cũng như âm thanh phải đạt được cái hay, thì ánh sáng phải đạt được cái đẹp. Hai loại nghệ thuật này tuy khác nhau hoàn toàn, nhưng trong lĩnh vực sân khấu, nó có sự hỗ tương đặc biệt.

Trước đây hơn 30 năm, dù thiết bị ánh sáng còn hạn chế, ở các đoàn như Hương Miền Nam, Bông Hồng, Kim Cương v.v. chuyện làm ánh sáng không phải dễ. Thí dụ ở đoàn BH nội ánh sáng kịch thôi cũng lắm trò. Nào là đèn đầu, đèn tóc, đèn mặt, cánh gà, xóa phông v.v.(những kiến thức tôi học được của Ánh Việt từ hồi đó đến bây giờ vẫn còn bổ ích). Nói chung, khi người diễn viên ra sân khấu thì phải đạt được cái đẹp tuyệt đối khi đứng trước khán giả. Đến nỗi diễn viên còn phải đánh phấn không riêng gì mặt, còn cả những phần thân thể lộ ra ngoài như chân, tay nữa để được “ăn đèn” đấy các bạn. Các bạn có để ý xem các chương trình truyền hình của HTV bao giờ ánh sáng cũng đẹp hơn VTV rất nhiều không?

Rồi VN bắt đầu mở cửa, làn sóng kỹ thuật thế giới tràn vào VN. Năm 92 lần đầu tiên tiếp cận được kỹ thuật ánh sáng digital là lần tôi bắt đầu mê ánh sáng từ đó. Với kỹ thuật digital, cộng thêm các loại đèn thông minh (intelligent) mở ra một chân trời cho nguời điều khiển ánh sáng (lighting operator). Bạn phải kết hợp giữa kỹ thuật và nghệ thuật, thiếu 1 trong 2 cũng không được. Bạn phải biết nghe nhạc, cảm nhận được bài nhạc rồi dùng kỹ thuật tạo ra thứ ánh sáng cho thật hòa hợp với bài nhạc đó. Làm gì thì làm, bạn phải có óc sáng tạo, cảm tính (feeling) của riêng bạn.

Thời kỳ tôi chơi ánh sáng ở phòng trà Tiếng Tơ Đồng năm 2000, nghe bài Trả nợ tình xa do ca sĩ Thu Hà (già) hát. Vừa nghe đoạn intro là tôi biết phải làm gì rồi. Sau câu hát đầu tiên của Thu Hà, tôi bấm controller một loạt động tác là tôi nghe được rất nhiều tiếng vỗ tay của khán giả. Cũng có thể do ca sĩ hát hay, nhưng tôi biết rằng hiệu quả của ánh sáng đã góp phần rất lớn làm hài lòng người thưởng ngoạn. Sau đó vài tháng, tôi chơi ở vũ trường Space Ship. Một phần có hơi men trong người, phần nữa tụi DJ Singapore bỏ nhạc rất bốc. Tôi hòa theo dòng nhạc, chăm chút cho những scene ánh sáng của mình, từ rall sang moderato cho đến khi nó vỡ òa ra, tạo một dòng thác ánh sáng dồn dập không dứt. Bạn cứ thử hòa mình vào bối cảnh đó, không gian đó xem. Bạn sẽ thấy nó thật tuyệt vời.

Nghệ thuật của ánh sáng là vậy đó các bạn.

Vài năm trở lại đây, có lẽ vì lý do kinh tế, sự phát triển của ánh sáng VN chững lại. Thiết bị ánh sáng TQ tràn ngập, rẻ nhưng vấn đề chất lượng thì hơi bị tồi. Rồi lại thiên về lối chơi ánh sáng của TQ, nghĩa là thật nhiều thiết bị, điều khiển lung tung làm rối mắt người xem, cách chơi đó rất dễ, Tôi là người chơi ánh sáng theo trường phái sạch sẽ, khó lòng chấp nhận những tia sáng, những gobos lạc địa chỉ, không hòa hợp với bối cảnh của sân khấu. Vấn đề này sẽ bàn lại sau, viết ra thì rất nhiều, tôi mong các bạn sẽ ráng hoàn thiện hơn nữa cách chơi của mình cũng như slogan tôi đặt cho blog này:

Hoàn thiện hơn Nghệ thuật nghe nhìn.

Tuyên Phúc

Stage

Bài tiếp : Ánh sáng cơ bản.( Đèn PAR ) .

Posted in Lighting | Thẻ: , , | 19 Comments »

Hi !

Posted by tuyenphuc trên 15 Tháng Năm, 2008


Chào các bạn.

Xin tự giới thiệu tôi là Lê tuyên Phúc, là người đã gắn bó với nghề âm thanh, ánh sáng ở VN hơn 30 năm nay. Xin chào các bạn đã và chưa quen bỏ chút thì giờ ghé thăm blog này.

Tôi muốn làm quen với tất cả anh em làm nghề này, để gắn bó và trao đổi kỹ thuật và kinh nghiệm nghề nghiệp. Mong sao các bạn ghé blog và post những bài viết của các bạn về tất cả các vấn đề về âm thanh, ánh sáng.

Tôi sẽ làm nhiều categories thích hợp với nhiều chủ đề như Sound, HiFi, Lighting, Buy&Sale v.v để các bạn tùy ý có thể vào các trang các bạn thích.

Với các bạn trẻ mới vào nghề này, nếu các bạn thích và có những thắc mắc về âm thanh, ánh sáng, các bạn cứ việc comments. Tôi xin mạo muội với kinh nghiệm của người đi trước, nếu tôi biết, xin trao đổi. Nếu tôi bí, sẽ có các bạn khác sẽ trao đổi cùng bạn.

Với mong muốn tạo sự liên kết với các bạn yêu nghề. Nay có dư chút thì giờ làm blog này, xin các bạn hưởng ứng.

Lê tuyên Phúc.

(soundlightingvn@gmail.com)

(soundlightingvn@yahoo.com)

Note:

-Các bạn khi post hay comment, nếu có thể được xin dùng tên thật hoặc tên công ty để blog được trong sáng và thắt chặt thêm tình đồng nghiệp.

-Khi các bạn muốn post bài mới, xin email cho tôi.

Posted in Main | Thẻ: , , , , | 6 Comments »